Trần Hưng Đạo
Nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, anh hùng dân tộc. Ông là con của An Sinh vương Trần Liễu. Năm 1258, quân Mông Cổ tiến vào nước ta, ông được vua Thái Tông cử làm Tiết chế, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Sau chiến thắng đầu tiên, triều Trần rất tin tưởng vào khả năng quân sự của ông. Năm 1284, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, ông lại được cử làm Tiết chế Quốc công, thống lĩnh các lực lượng quân sự, lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ông đã tiến hành cuộc tổng duyệt binh ở bến Đông Bộ đầu (Bắc Hà Nội). Các vương hầu đưa quân bản bộ về tham dự. Trong cuộc tổng duyệt binh này ông đã đọc bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng, nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của mình, kích động lòng yêu nước trong quân sĩ, cổ vũ họ xông vào cuộc chiến đấu vì nước, vì dân. Quân sĩ và nhân dân cùng phối hợp đánh cho giặc Nguyên tan tành ở các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Năm 1288, vua Nguyên cho quân tướng tiến sang đánh trả thù. Chiến dịch Bạch Đằng được chuẩn bị. Tháng 4/1288, toàn bộ lực lượng thủy quân của giặc do Ô Mã Nhi chỉ huy đã bị tiêu diệt trên sông Bạch Đằng. Bộ binh của chúng bị truy đuổi đến tận biên giới. Thất bại nặng nề trong cuộc xâm lược thứ ba đã buộc nhà Nguyên phải từ bỏ mưu đồ xâm chiến nước ta. Ông được vua Trần phong tước Đại vương. Ông còn là tác giả hai bộ sách quân sự “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”