Một góc thị xã Buôn Hồ
Thị xã Buôn Hồ được thành lập vào ngày 23/12/2008 theo Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ, là đô thị trung tâm có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của khu vực phía Bắc tỉnh Đắk Lắk, có vị trí an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm tỉnh lỵ Đắk Lắk 40 km về phía Đông Bắc, chạy dọc theo Quốc lộ 14:
- Phía Đông giáp huyện Krông Năng, EaKar;
- Phía Tây giáp huyện Cư M’Gar;
- Phía Nam giáp huyện Krông Pắk;
- Phía Bắc giáp huyện Krông Búk.
Bên cạnh đó Thị xã Buôn Hồ còn có các tuyến quốc lộ huyết mạch nối liền các tỉnh Gia Lai, Kon Tum với Thành phố Buôn Ma Thuột. Hệ thống giao thông thuận lợi, đường ô tô đến hầu hết các trung tâm đông dân cư theo tuyến Quốc lộ 14, quốc lộ 29 và các tuyến đường liên xã, liên phường, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại.
Thị xã Buôn Hồ có 28.205,89 ha diện tích tự nhiên và 101.554 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Đạt Hiếu, An Lạc, An Bình, Thiện An, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và các xã: Ea Siên, Ea Drông, Ea Blang, Bình Thuận, Cư Bao. Trên địa bàn thị xã có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống như Ê Đê, GiaRai, Kinh, Tày…đã tạo nên một nền văn hóa phong tục đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thị xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng cho vùng Cao nguyên Nam Trung Bộ, mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700mm, nhiệt độ trung bình là 23,40C rất thuận lợi cho các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao, tiêu và cây lương thực như ngô lai, đậu tương và các loại cây ăn trái khác.
Hiện nay, Buôn Hồ đã là "tâm điểm" của vùng chuyên canh cây cà phê nổi tiếng, được trải rộng ra các huyện lân cận, bao gồm huyện Cư M'gar, Krông Năng, Ea H'Leo với diện tích gần 100.000 ha. Ðồng thời, đây cũng là vùng có hệ sinh thái phong phú và đa dạng với các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tiêu biểu như: đèo Hà Lan, rừng thông Buôn Tring... nên rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch sinh thái, gắn với văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Ở đó Buôn Hồ được coi như một "địa chỉ đỏ" có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp toàn vùng. Với những đặc trưng đó, Buôn Hồ được xác định là đô thị kinh tế-sinh thái-văn hóa cấp vùng của tỉnh.
Khai thác thế mạnh của thiên nhiên, điều kiện văn hóa, xã hội để phát triển du lịch văn hóa - sinh thái, hướng dẫn người dân trong việc tạo việc làm, tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, cải thiện đời sống cho đồng bào nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững quốc phòng - an ninh, là vấn đề đang được cấp ủy, chính quyền của tỉnh Đăk Lăk và thị xã Buôn Hồ quan tâm thực hiện, góp phần phát triển một cách toàn diện hoạt động kinh tế - xã hội của Thị xã.
Bên cạnh những thuận lợi như vậy thì thị xã Buôn Hồ cũng có một số khó khăn nhất định như:
- Đa số nhân dân trên địa bàn còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn 70 % dân số, còn lại là kinh doanh buôn bán, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
- Đời sống nhân dân trong các xã vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy nên có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí trong vùng.
- Địa hình khá phức tạp, độ dốc cao ảnh hưởng đến các vấn đề tưới tiêu trong sản xuất và đời sống cũng như các hoạt động giao thông vận tải nội địa.
- Dân số cơ học tăng nhanh trong khi đó diện tích đất tự nhiên cố định hiện là áp lực đối với sự phát triển kinh tế xã hội là vấn đề đang cần giải quyết.