TÔ NGỌC VÂN (1906-1954)
Tô Ngọc Vân, họa sĩ, bút danh Tô Tử, Ái Mĩ sinh tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa II (1926-1931), có biệt tài vẽ phong cảnh và phụ nữ. Bức tranh Cô gái và hoa huệ (sơn dầu) được coi là đỉnh cao của thể loại này. Từ năm 1931, ông cộng tác với báo Nhân Loại, Phong Hóa, Ngày Nay, Thanh Nghị. Dạy học ở trường Trung học Phnom Penh (1935-1938), dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1939-1941). Ông đã cùng với một số học trò thân tín của trường Cao đẳng Mỹ thuật, tham gia hoạt động bán công khai trong Mặt trận Việt Minh Hà Nội (1944). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông cùng nhóm họa sĩ dựng thành công bức họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc ở Bắc Bộ Phủ. Ông tích cực tham gia kháng chiến, phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc. Từ một họa sĩ lãng mạn, Tô Ngọc Vân hăng hái tham gia kháng chiến, xông xáo đi các nơi: Mặt trận, vùng địch hậu, miền núi, đồng bằng đã ghi lại hàng trăm bức ký họa, nhiều tác phẩm sơn dầu, sơn mài, lụa miêu tả những con người bình thường mà cao đẹp: Lão dân quân, chị cốt cán, bà lão nông dân, anh chiến sĩ trước trận đánh. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh ngày 17/6/1954 bên giá vẽ, trong tư thế của người họa sĩ – chiến sĩ. Tô Ngọc Vân được coi như là họa sĩ có công đầu trong chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Tranh ông đã từng được triển lãm ở Sài Gòn (1930), ở Hà Nội (1935-1936). Được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.