OCOP - nâng tầm giá trị nông sản Buôn Hồ
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang dần thay đổi thói quen sản xuất của nông dân thị xã Buôn Hồ từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm OCOP của thị xã đã và đang khẳng định thương hiệu, chất lượng, tạo sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản Buôn Hồ.
Với mong muốn nâng tầm chất lượng cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm cà phê truyền thống của gia đình, năm 2022, ông Trịnh Văn Khoa, chủ một quán cà phê tại phường Thiện An đã quyết định khởi nghiệp bằng cách chế biến cà phê sạch mang thương hiệu Coffee Toàn Khoa. Ngoài đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại, ông Khoa còn liên kết với nhiều hộ dân, thu mua cà phê khi đã chín trên 90%, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau khi sản phẩm cà phê COFFE Toàn Khoa và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2023, ông Khoa tiếp tục cải tiến quá trình sản xuất; đồng thời, thường xuyên giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại của tỉnh nên doanh thu bán hàng tăng lên và nhận được nhiều phản hồi tốt của người tiêu dùng.
Đồng chí Võ Văn Sự - Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ (bìa trái) trao đổi về sản phẩm OCOP với ông Trịnh Văn Khoa
“Thừa thắng xông lên”, tháng 12/2024, gia đình ông chính thức khai trương, đi vào hoạt động cửa hàng OCOP Toàn Khoa, mua bán các sản phẩm OCOP của thị xã Buôn Hồ và các huyện lân cận, như cà phê, hạt macca, hạt điều, mật ong, tinh bột nghệ, nấm linh chi, yến sào.v.v.... góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo công ăn việc làm; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ông Trịnh Văn Khoa đang giới thiệu sản phẩm OCOP cà phê COFFE Toàn Khoa cho khách hàng
Với trăn trở làm thế nào để giàu lên từ sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã thúc đẩy anh Đặng Văn Hiệp ở phường Thiện An quyết định nghỉ việc trong cơ quan nhà nước để ra khởi nghiệp, mở Công ty TNHH Macca Đắk Lắk để chế biến macca bán lẻ ra thị trường. Anh Hiệp đầu tư vào máy móc, thiết bị, quy hoạch lại quy trình sản xuất để chế biến các sản phẩm từ hạt macca. Thời gian đầu do chưa rành kỹ thuật, bảo quản chưa tốt, sản phẩm làm ra bị hư hỏng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên anh Hiệp không nản lòng, vừa làm vừa rút kinh nghiệp và đã thành công.
Không dừng lại ở đó, để tạo niềm tin với người tiêu dùng, gia tăng giá trị sản phẩm, anh Hiệp quyết định xây dựng thương hiệu sản phẩm từ hai nguyên liệu chính là macca và sầu riêng. Năm 2024, 4 sản phẩm chủ lực của Công ty anh Hiệp, gồm hạt macca nứt vỏ, nhân hạt macca, sầu riêng sấy, nhân macca sầu riêng đã vinh dự được nhận Giấy chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Anh Đặng Văn Hiệp bên các sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty
Anh Đặng Văn Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Macca Đắk Lắk cho biết: “Việc sản phẩm mắc ca đạt chứng nhận OCOP 4 sao không chỉ giúp công ty tăng được khoảng 10% doanh thu mà còn giúp các sản phẩm mang thương hiệu Macca Đắk Lắk được người tiêu dùng nhận diện tốt hơn. Đây là cơ hội để sản phẩm của công ty kết nối dễ dàng hơn với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiêu dùng lớn trong và ngoài tỉnh”.
Anh Đặng Văn Hiệp (đứng giữa) tại Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2024
Thị xã Buôn Hồ hiện có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 20 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, tập trung vào các mặt hàng có tiềm năng kinh tế cao như: cà phê rang xay, các sản phẩm chế biến từ trái mắc ca, sầu riêng, yến sào… Thị xã Buôn Hồ cũng đang phối hợp triển khai xây dựng mã vùng trồng cho 15,9 ha cà phê Robusta tại thôn Chà Là (xã Bình Thuận) nhằm tạo động lực cho nông dân nơi đây tập trung sản xuất, chế biến, phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng, mang lại giá trị cao hơn về kinh tế.
Hoa đào, sản phẩm OCOP 3 sao của Hợp tác xã TMDV Hoa Đào Đoàn Kết - Buôn Hồ
Toàn thị xã có 23 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác, 23 trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là những lợi thế lớn để địa phương tiếp tục phát triển sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOP mới đáp ứng yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng sản phẩm OCOP tăng thì phần lớn các sản phẩm còn sản xuất trên quy mô nhỏ; mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn; sản lượng tiêu thụ còn thấp; chưa có chuỗi cung ứng ổn định; một số chủ thể OCOP chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số và bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Vì thế, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tăng cường tổ chức, kết nối các chương trình xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho nông sản đặc trưng của địa phương./.
Thái Huyên