Kỹ năng thoát nạn khi có cháy
Cháy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của con người. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng thoát nạn khi có cháy là vô cùng quan trọng. Sau đây là một số biện pháp thoát nạn an toàn khi không may gặp sự cố cháy:
Bước 1: Xác định lối thoát nạn
Thông thường, các lối thoát ra nơi an toàn bao gồm: Lối ra cửa chính; cầu thang thoát nạn ngoài nhà; ban công, lô gia; sân thượng, mái nhà (để di chuyển sang công trình liền kề). Trường hợp lối thoát nạn an toàn qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang dây, dây tự cứu hạ chậm...
Bước 2: Các lưu ý khi thoát nạn
- Giữ bình tĩnh: hoảng loạn sẽ khiến bạn mất phương hướng và dễ mắc sai lầm.
- Báo động cho mọi người bằng cách sử dụng chuông báo cháy (nếu có), hô hoán hoặc gõ cửa từng phòng để thông báo cho mọi người biết có cháy.
- Nhanh chóng thoát ra ngoài, không nên quay lại lấy đồ đạc.
- Hít thở qua khăn ướt, mặt nạ phòng độc (nếu có) sẽ giúp hạn chế hít phải khói độc.
- Gọi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH: qua số 114 để báo cháy và nhờ giúp đỡ.
- Nếu có thể hãy đóng cửa các phòng đang cháy để làm chậm quá trình lan rộng của đám cháy. Tuyệt đối không sử dụng thang máy, chui vào gầm giường, tủ, nhà vệ sinh, nhảy qua cửa sổ tầng cao.
Bước 3: Các biện pháp thoát hiểm cụ thể
- Trường hợp thoát qua cửa chính: di chuyển nhanh chóng, sử dụng khăn ướt bịt mũi, miệng, đề phòng lửa tạt hoặc vật liệu cháy rơi xuống.
- Trường hợp thoát qua ban công, lô gia: sử dụng thang dây, dây thừng hoặc dây tự cứu, cố định dây chắc chắn, thoát xuống dưới hoặc sang công trình liền kề nếu có thể.
- Trường hợp thoát qua tầng thượng, mái nhà: di chuyển lên tầng thượng, mái nhà, thoát sang công trình lân cận, sử dụng khăn ướt bịt mũi, miệng.
- Trường hợp bị kẹt trong nhà: báo hiệu cho người bên ngoài; sử dụng vật dụng (chăn, màn, quần áo,…) che khe cửa, ngăn khói, lửa; mở cửa sổ để lấy không khí và tạo điều kiện cho lực lượng PCCC tiếp cận; tuyệt đối không di chuyển qua khu vực có lửa hoặc khói dày đặc.
Các biện pháp thoát hiểm trên chỉ mang tính chất tham khảo. Việc lựa chọn biện pháp thoát hiểm phù hợp sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Hãy thường xuyên tập luyện để nâng cao khả năng phản ứng trong trường hợp xảy ra cháy. Trang bị cho gia đình các phương tiện phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, thang dây, mặt nạ phòng độc,...
Hãy ghi nhớ các bước thoát hiểm nêu trên để bảo vệ bản thân và gia đình khi không may có cháy xảy ra!
Hà Duy – CATX